Ở Hà Nội tỷ lệ sơn nước, bột trít tường giả xuất hiện chiếm 45% thị trường; ở TP.Hồ Chí Minh con số này khoảng 65%.

Những năm gần đây, thị trường sơn xây dựng, bả trát tường… đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho hàng giả, hàng kém chất lượng tung hoành. Do thiếu sự ra tay quyết liệt từ các cơ quan chức năng, mặt hàng này đã và đang khiến doanh nghiệp trong nước lao đao, còn người tiêu dùng chịu thiệt hại không nhỏ vì họ phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Chóng mặt vì sơn, bả giả ngập thị trường

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phải xử lý rất nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh sơn, bả tường nhái thương hiệu nổi tiếng.

Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, Chi cục QLTT tỉnh Sơn La vừa phối hợp với phòng PC 46, Công an tỉnh Sơn La và Công ty TNHH sơn Kova tiến hành kiểm tra đồng loạt các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ lượng sơn Kova giả trị giá hàng chục triệu đồng của hộ kinh doanh Quảng Thùy tại thị trấn Sông Mã.

Trước đó, ngày 17/5, Chi cục QLTT Nam Định đã thu giữ toàn bộ sản phẩm Dulux giả tại cửa hàng Minh Chiến, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh. Số hàng gồm 35 thùng sơn lót chống kiềm ngoại thất cao cấp loại 18 lít, 40 lon sơn nước ngoại thất siêu cao cấp loại 5 lít.

Ngay sau đó không lâu, ngày 24/5, khi đội QLTT Hóc Môn, Chi cục QLTT TP.HCM kiểm tra Công ty TNHH Hưng Thịnh Việt (tại đường Trần Văn Mười, Xuân Thới Đông), cơ quan quản lý đã phát hiện 13 thùng sơn Maxilite, 9 thùng sơn và 5 bao bột trét giả hiệu Dulux.

Là chủ sở hữu nhiều thương hiệu sơn, bả có tiếng như Maxilite, Dulux, WeatherShield, Công ty TNHH sơn Akazo Nobel cho biết: Doanh nghiệp này đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ vi phạm nhãn hiệu, cố tình làm giả sản phẩm mỗi năm.

Chong mat vi son, ba trat tuong gia ngap thi truong - Anh 1

Nhiều thương hiệu sơn nổi tiếng bị làm giả trên thị trường. Ảnh minh họa.

Điển hình là tháng 5/2015, Chi cục QLTT Đồng Nai đã thu giữ 1,7 tấn bột trát tường và sơn Dulux, Maxilite giả. Tháng 9, Chi cục QLTT Bình Phước thu giữ tơí1,52 tấn bột bả tường nhái Dulux tại cửa hàng Năm Hậu (ấp Thắng Lợi, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh).

Thủ đoạn tin h vi đánh lừa người dùng

Bên cạnh các đại lý tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp còn vì lợi nhuận mà trực tiếp sản xuất sơn giả đánh lừa người tiêu dùng. Tháng 11/2015, Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội Cảnh sát môi trường, Công an Bắc Từ Liêm phát hiện một lượng lớn với hơn 100 tấn sơn nhập khẩu không nhãn mác đang trong quá trình san chiết. Chủ sỡ hữu số hàng là Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng (Lô 9, đường CN8, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ, Bắc Từ Liêm) hoàn toàn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ hợp lệ và quy chuẩn hợp quy.

Nghiêm trọng hơn, vào tháng 3/2016, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty cổ phần sơn JYMEC Việt Nam tại Cụm công nghiệp Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội. Kết quả, 20 thùng sơn thành phẩm loại 5L và trên 1.700 vỏ thùng các loại gắn nhãn Weathershield đã bị thu giữ. Kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh của công ty này, Đội QLTT số 14 phát hiện trên 70 thùng sơn in nhãn Weathershield trong khi đây là nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho AkzoNobel.

Tiếp đó, tháng 5/2016, Đội QLTT số 12, Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty cổ phần NEW PRO tại Cầu Bươu, Thanh Trì. Có tới 157 thùng sơn thành phẩm các loại và 80 vỏ thùng gắn nhãn hiệu Weathershield bị thu giữ.

Những trường hợp nói trên cho thấy, chưa bao giờ vấn nạn sản xuất và kinh doanh sơn, bả giả lại đáng báo động như hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội tỷ lệ sơn tường, bả trát giả chiếm 45% thị trường, ở TP.Hồ Chí Minh con số này khoảng 65%.

Hiện nay, không chỉ dân xây dựng mà nhiều đại lý phân phối chính hãng cho các thương hiệu sơn, bả uy tín và các thợ sơn lâu năm cũng phải thừa nhận: Rất khó khăn để phân biệt hàng thật, hàng giả bằng mắt thường.

Có rất nhiều kiểu làm giả nhưng thường ở bốn dạng chủ yếu: (1) Nhái nhãn hiệu; (2) Mua hóa chất tự sản xuất hàng giả; (3) Dùng hàng rẻ tiền cho vào vỏđắt tiền; (4) rút bớt khối lượng, dung tích.

Cách rút bớt khối lượng và dung tích thực của sơn rồi pha thêm hàng kém chất lượng là phổ biến nhất.

Chong mat vi son, ba trat tuong gia ngap thi truong - Anh 2

Rất khó để có thể phân biệt đâu là sơn giả, đâu là sơn thật bằng mắt thường.

Ngoài ra, chiêu thức làm giả họa tiết trên bao bì sản phẩm rồi hô biến sơn, bả rẻ tiền thành hàng chính hãng cũng được nhiều gian thương sử dụng. Đây thực sự là ngành kinh doanh “một vốn bốn lời” vì giá sơn rẻ tiền chỉ từ 9 – 15 nghìn đồng/lít trong khi sản phẩm của các thương hiệu uy tín có giá lên tới 60 – 75 nghìn đồng/lít. Thậm chí, nhiều cơ sở gia công sơn kém chất lượng còn chuẩn bị sẵn sàng hàng tập dày… tem chống hàng giả đủ loại, sẵn sàng đóng gói thành phẩm để giới thiệu cho khách mua buôn… tin tưởng.

Cách phân biệt sơn giả - sơn thật

Là thợ sơn với tám năm kinh nghiệm, anh Lương Trung Tín (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Chỉ khi lăn sơn lên tường mới có thể xác nhận 80% sơn giả, sơn thật chứ chỉ nhìn thùng sơn, bột trát tường thì rất khó phân biệt. Sơn giả khi cho con lăn chạy trên tường thường nhanh hơn sơn thật do độ kết dính thấp. Ngoài ra, sơn giả cũng nhanh bay màu, tróc lở hơn. Tuy nhiên, ít nhất cũng phải 3 – 6 tháng sau khi sử dụng sản phẩm mới có thể phát hiện những dấu hiệu này”.

Anh Nguyễn Văn Tài, chủ một cửa hàng sơn tại tỉnh Sơn La chia sẻ: “Dù hàng giả tinh vi thế nào thì cũng vẫn có những cơ sở để nhận biết. Để phân biệt sơn giả - thật, cách thông thường là so sánh thùng sơn và bao bì. Sơn giả nặng hơn vì thường cho nhiều bột đá, bao bì in nhòe không sắc nét, nắp thùng khó mở còn vỏ thùng thì giòn và dễ vỡ.

Về chất sơn, khi quết ra đầu ngón tay sơn giả sẽ có cảm giác gợn. Sơn giả độ bền tất nhiên là không cao, do pha tạp nhiều nên sau một thời gian ngắn sẽ có hiện tượng ố màu”.

Sở dĩ tình trạng sơn giả vẫn bát nháo trên thị trường là bởi luật của Việt Nam vẫn chưa nghiêm. Bởi thông thường, một cửa hàng khi phát hiện buôn bán sơn tường, bột trát giả bị tịch thu sản phẩm và xử phạt hành chính tối đa chỉ 20 triệu đồng.

Mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu về nên nhiều cơ sở sẵn sàng sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Do đó, thiết nghĩ rất cần sự ra tay quyết liệt của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

goi tong dai
đối tác

chanweb20t12copy

Website is designed at tnweb.vn